Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Những món ngon phải nếm thử khi tới Hà Nội


Phở Lý Quốc Sư, bún ốc Phủ Tây Hồ, bánh tôm hồ Tây... là những đặc sản đã trở thành thương hiệu, khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.

Hà Nội là nơi hội tụ của người dân bốn phương, mang theo đặc trưng ẩm thực của nhiều vùng miền. Sự giao lưu này mang đến tính đa dạng và phong phú cho các món ăn vỉa hè. Những món ăn này có thể xuất hiện ở nhiều nơi nhưng khi tới đây, qua bàn tay tài hoa của đầu bếp thì như thêm phần duyên dáng và tinh tế. Nếu có dịp ghé qua Hà Nội, hãy nếm thử hoặc mua về làm quà một trong số những đặc sản dưới đây để cảm nhận và hiểu sao ẩm thực thủ đô lại được mến mộ đến vậy.

Bún ốc


Món ăn dân dã, bắt nguồn từ đồng ruộng này không rõ xuất hiện ở Hà Nội từ bao giờ nhưng từ lâu đã trở thành món quà vặt được ưa thích số một. Người ta có thể ăn bún ốc cho bữa sáng, trưa hoặc tối, ăn vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, thời khắc mà người Hà Nội nhớ tới và thèm bún ốc nhất là trong những ngày Tết cổ truyền, khi đã chán ngấy với mâm cỗ đầy ắp cá thịt - ngấy và nhiều đạm.

Bát bún ốc luôn sặc sỡ sắc màu của cà chua chưng, những con ốc béo mỡ màng, chuối đậu vàng ươm. Hương vị là sự kết hợp ăn ý của nước dùng trong veo nhưng không kém phần béo ngậy, chua chua thanh thanh và dậy mùi dấm bỗng đặc trưng. Khi ăn, thêm chút hoa chuối thái mỏng và rau sống tươi ngon mới khiến bát bún đầy đủ hương vị.

Một lần thưởng thức bạn mới thực hiểu, không dưng mà hầu như quán bún ốc nào ở Hà Nội cũng đông khách trong suốt nhiều năm qua, dù cho cơn bão đồ ăn Tây có mạnh mẽ đến cỡ nào. Không quán hàng sang trọng, biển hiệu hoành tráng, người Hà Nội thưởng rỉ tai nhau về các địa chỉ thưởng thức món đặc sản này mỗi khi lên cơn thèm.

Nếu không quen ai là thổ địa Hà Nội, bạn có thể tự ghé một trong số các quán bún ốc nổi tiếng như quán bà Béo phố Hòe Nhai, quán bà Lương ở Khương Thượng, quán nằm trong ngõ 530 Thụy Khuê, quán Tình Quê phố Cao Đạt, ngõ chợ Đồng Xuân hay ở Phủ Tây Hồ. Tuy nhiên, giá cả ở đây cũng "chát" nhất.

Bún chả

Bún chả Hà Nội nổi tiếng nhất là quán ở Hàng Mành. Ảnh: Ngonhanoi.
Một món bún khác hút khách không kém vào các buổi trưa là bún chả. Món ăn này có nhiều "phiên bản" ở khắp các vùng miền nên nếu là du khách phương xa, bạn vẫn có thể cảm thấy rất quen thuộc.

Dưới cái nắng hè oi ả, dù bát bún có ngon tới đâu mà bốc khói nghi ngút thì ắt hẳn cũng sẽ bớt đi phần nào hấp dẫn. Do đó, người Hà Nội thường tìm tới món ăn không chan nước dùng nóng, nhiều đạm nhưng không ngấy này. Mùi thơm từ những vỉ nướng chả trở luôn tay trên bếp than chính là biển hiệu quyến rũ nhất của các quán bún chả.

Trước đây, bún chả "sành điệu" phải là phải nướng bằng kẹp tre, để khi ra thành phẩm, miếng thịt không chỉ có mùi nức mũi của thịt mỡ cháy mà còn mang mùi thơm đặc trưng không thể lẫn của tre nướng. Bún chả kiểu này khiến chủ quán khá kỳ công, từ việc chọn, cưa, ngâm và chẻ tre. Do đó, ở Hà Nội hiện nay, số quán còn nướng chả bằng kẹp tre chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Khi ăn bún chả, thực khách có thể chọn giữa chả viên và chả nướng, mỗi loại ngon một kiểu khác nhau. Nếu như chả viên là sự kết hợp của hành tỏi, thịt băm nhỏ tẩm ướp nên khá mềm và ngọt thì chả miếng lại dai dai, thơm thơm mùi mỡ cháy. Nước chấm cũng là bí quyết riêng của mỗi quán bởi nước chấm dở sẽ khó lòng tạo nên bát bún ngon được.

Các quán bún chả nổi danh Hà Nội: bún chả Hàng Mành, bún chả Sinh Từ (Nguyễn Khuyến), bún chả que tre (ngõ chợ Đồng Xuân), quán ở ngã tư Nguyễn Du - Bà Triệu...

Phở

Lót dạ bằng bát phở nóng cho bữa sáng, trước khi chuẩn bị hành trình khám phá Hà Nội.
Nếu hỏi món ăn nào phổ biến nhất thủ đô thì ắt hẳn đó chính phở. Hiếm có con phố nào mà không có ít nhất một hàng phở đông khách. Dù ngày nay người ta đã nghĩ ra nhiều kiểu biến tấu như phở cuốn, phở trộn, phở áp xảo... nhưng phở kiểu truyền thống vẫn lấy lòng được nhiều thực khách nhất.

Nhà văn Thạch Lam có viết trong cuốn Hà Nội 36 Phố Phường: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ".

Từ những năm 1940, phở đã rất phổ biến, được bán từ cửa hàng sang trọng cho tới những quán bình dân vỉa hè chật chội. Đây được xem như món ăn "bắt buộc" mà nếu chưa từng ăn qua, coi như bạn chưa tới Hà Nội.

Qua bao nhiêu năm, phở truyền thống vẫn khiến không chỉ người đi xa mà còn du khách một lần nếm thử phải nhớ mãi. Nếu thực sự muốn tìm một quán phở ngon ở Hà Nội, bạn hãy tìm đến một trong những địa chỉ phở gia truyền như phở Thìn (Lò Đúc), phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư hay phở ngồi vỉa hè Hàng Trống, phở Sướng (Đinh Liệt),...

Bánh cuốn


Bánh cuốn Thanh Trì xưa kia thường không có nhân, chỉ là lớp bánh tráng mỏng manh như dải lụa, trắng mịn, mướt mát; chấm cùng nước chấm chua ngọt thanh thanh, ấy thế mà vẫn nức tiếng xa gần. Ngày nay, người ta biến tấu bánh cuốn thêm nhiều nguyên liệu như mộc nhĩ, thịt băm, trứng, tôm, ruốc tôm... và ăn kèm chả quế. Món ăn trở nên nhiều đạm hơn nên có lẽ đã hấp dẫn nhiều người hơn.

Nếu có cơ hội được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm bánh, bạn sẽ không khỏi ngưỡng mộ sự tài hoa của người đầu bếp Hà thành. Bàn tay nhanh thoăn thoắt, đổ bột, dàn bột rồi bóc lớp bánh mỏng dính, rải thêm nhân rồi bày lên đĩa. Ngần ấy công đoạn mà chỉ diễn ra trong chưa đến 10s.

Trước khi mang ra cho thực khách, những chiếc bánh cuốn nóng hổi sẽ được bổ sung thêm một lớp hành khô chao dầu thơm nức thật khó thể nào cưỡng nổi. Một đĩa bánh cuốn thanh đạm sẽ cho bạn một bữa sáng hoàn hảo, chuẩn bị cho hành trình khám phá thủ đô.
Các hàng bánh cuốn bạn nên ghé: bánh cuốn Thanh Vân (14 Hàng Gà), quán bà Hoành (66 Tô Hiến Thành), quán An Quang (Hàng Bồ), 26 Đào Duy Từ, 68 Hàng Cót,.


Bún thang

Bún thang là món ăn cổ truyền của các gia đình Hà Nội xưa, đặc biệt là trong dịp Tết. Món ăn với nhiều nguyên liệu và đủ mùi vị nhưng vẫn mang lại cảm giác thanh thanh, đầy tinh tế của ẩm thực Hà Thành. Không phải quán nào cũng làm được một bán bún thang ngon và “chuẩn”, vì thế số lượng những quán hàng này cũng khá khiêm tốn so với những đặc sản khác như phở bò hay bún ốc.

Có tới gần 20 nguyên liệu mới đủ làm nên món ăn nhiều màu sắc và đủ mùi vị này: trứng tráng mỏng thái chỉ, gà xé nhỏ, giò lụa thái sợi, rau răm, nấm hương, củ cải ngâm… Nước dùng trong và ngọt thơm, đậm đà vị của tôm, chan đều lên bát bún nhỏ xinh vừa ăn. Trước đây, người ta thường dùng kèm với tinh dầu cà cuống cho dậy mùi thơm. Tuy nhiên, hiện nay, thứ hương liệu này khá khó kiếm và cũng tương đối “xa xỉ” nên hiếm thấy trong các quán hàng.

Nổi tiếng nhất trong các quán bún thang ở Hà Nội phải kể đến quán bà Đức (48 Cầu Gỗ), 32 Cầu Gỗ, quán ở giữa phố Lương Văn Can, quán nhỏ trong ngõ Hạ Hồi, ngõ Hàng Chỉ, quán ở đầu nhà D2 Giảng Võ...

Bánh tôm

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, tuổi thơ gắn liền với những ngày cuối tuần được bố mẹ cho đi chơi ở công viên Thống Nhất, ăn kem Tràng Tiền và ngồi bên hồ Tây thưởng thức bánh tôm nóng hổi. Từ lâu, bánh tôm hồ Tây đã trở thành một thứ đặc sản không thể không nếm thử đối với du khách.

Bánh tôm gồm tôm nước ngọt bọc một lớp bột mỳ rồi cho vào chảo mỡ nóng già ngập bánh. Khi bánh phồng lên và ngã màu vàng, nghe mùi thơm ngậy hấp dẫn là ăn được. Chiếc bánh tôm nhỏ bằng lòng bàn tay, ở giữa là một con tôm vừa vặn, đỏ rực bắt mắt. Ở Hà Nội, người ta ăn bánh tôm với rau sống và nước chấm gồm dấm chua cay ngọt, thêm chút dưa góp cho đỡ ngấy. Nếu may mắn, bạn sẽ được thưởng thức mùi hương cà cuống trong nước chấm, mang tới cảm giác thích thú, khó quên.

Hiện nay, bánh tôm "thứ thiệt" chỉ còn bán ở một cửa hàng trên đường Thanh Niên, phía bên hồ Trúc Bạch. Ngồi trong nhà hàng này bạn có thể vừa ăn vừa ngắm cảnh hồ trong không gian thoáng đáng và cảm nhận nhịp sống hối hả của thủ đô. Khuôn viên quán rộng, đủ chỗ cho nhiều đoàn khách du lịch. Ngoài ra, khu vực phủ Tây hồ cũng có nhiều quán bán bánh tôm nhưng không được ưa chuộng bằng.

Cốm

Cách đây ít năm, cứ đến độ thu sang, hình ảnh những gánh cốm rong xanh mát, thơm ngào ngạt len lỏi trong phố lại trở nên quen thuộc với người dân Hà thành. Những năm trở lại đây, khi vắng bóng những gánh hàng rong thì cốm được bán chủ yếu ở những hàng quán cố định ven đường, hoặc được chở trên những chiếc xe đạp.

Cốm là món ăn dân dã từ đồng quê nhưng ngon nức tiếng xa gần thì phải kể đến thứ cốm dẻo thơm của làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cốm không được gói trong giấy báo hay đựng trong bát mà chỉ ngon khi gói vuông vắn trong những chiếc lá sen, bên ngoài buộc bằng dây rơm nếp. Mùi hương của cốm mới quyện cùng mùi thơm nồng nồng, man mát của lá sen khiến hương cốm càng trở nên tinh tế.

Khi ăn cốm, người ta không thể ăn vội vàng mà phải nhâm nhi từng chút một bên ấm trà nóng, chấm cùng chuối tiêu chín. Nếu tới Hà Nội không trúng mùa cốm, bạn có thể mua một sản vật thơm ngon không kém, đó là bánh cốm và cốm xào.

Bánh cốm thường để được ít ngày, nên khi mua về làm quà phải ăn ngay. Trong khi bánh cốm dẻo dẻo, đậm vị bùi bùi của đậu xanh và dừa thì cốm xào lại hơi keo, dính dính và ngọt đậm đà. Bánh cốm hảo hạng có thể được mua tại phố Hàng Than (ở đây có nhiều cửa hàng san sát nhưng xuất sắc nhất là cửa hàng Nguyên Ninh số nhà 11). Ngoài ra, bạn có thể mua cốm xào ở quán Quà quê phố Đinh Liệt.

Sấu
  
Sấu là một thứ quả quen thuộc ở Hà Nội. Dọc theo những con phố, người ta đã quen với hình ảnh hàng cây sấu già rợp bóng trong những ngày hè. Sấu cũng xuất hiện nhiều trong các món ăn của người Hà Nội như sấu dầm canh rau muống, sấu nấu canh sườn/canh thịt, sấu ngâm gừng, nước sấu, ô mai sấu...

Hầu như vị khách phương xa nào tới cũng mong muốn được mang về làm quà một túi sấu xanh, giòn chắc và ngon mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được ghé thăm đúng vào mùa sấu, do đó, chọn mua những thức quà để được lâu như ô mai hay sấu ngâm là sự lựa chọn tuyệt vời.

Giữa vô vàn loại ô mai đủ mùi vị phong phú nhưng đã nhắc tới đặc sản Hà Nội là nhắc tới ô mai sấu gừng. Sấu phải là những quả có vỏ giòn, tươi ngon, nhỏ vừa miệng, khi ra thành phẩm có màu nâu óng, mùi vị ngọt nhẹ quyện với cái cay nóng ấm bụng của gừng. Khi bỏ vào miệng một viên ô mai, người ăn không chỉ cảm nhận được đầy đủ mùi vị thơm ngọt mà còn gợi nhắc cho người đi xa những kỷ niệm ấu thơ, thời cắp sách đi học.

Du khách có thể mua ô mai sấu ở các cửa hàng nổi tiếng phố Hàng Đường như Hồng Lam, Tiến Thịnh, Gia Định, Vạn Lợi (phố Hàng Da).
.

                                                                                                                   Nguyên Chi